Quá trình hình thành và phát triển Hát_đúm

Hát đúm có xuất xứ từ hát ví ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Đến thời nhà Mạc, thế kỷ thứ XVI, sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ, hát đúm chính thức được hát trong lễ hội tại chùa và phát triển rộng khắp vùng[2].

Ở đồng bằng Bắc Bộ, Hải Phòng là địa phương duy nhất có hát đúm, lớn nhất là Thủy Nguyên, Đồ SơnCát Hải, tiêu biểu nhất là Hội hát Đúm xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng có hát đúm như An Hải, Kiến Thụy….

Cũng giống như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác, hát đúm cũng trải qua những biến cố, thăng trầm. Từ nửa cuối thế kỷ 20, do nhịp sống hối hả, sôi động với nhiều phương tiện hiện đại thanh niên xa rời văn hóa dân gian truyền thống, hát đúm dần trở nên “lỗi nhịp”, nhịp điệu chậm rãi, đều đều của hát đúm khó hòa vào nhịp sống sôi động của thanh niên trong thời hiện đại. Từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hát đúm chỉ còn duy nhất ở Thủy Nguyên.

Nhiều năm gần đây, chính quyền địa phương các cấp cùng nhân dân Thủy Nguyên đã tập trung khôi phục và phát triển loại hình văn hóa này. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên hiện có 4 hội Xuân hát đúm được tổ chức ngay tại các địa phương có di sản gốc gồm các xã thuộc tổng Phục cũ (Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Ngũ Lão) và đã được mở rộng sang nhiều địa bàn khác (thị trấn Minh Đức, các xã Tân Dương, Gia Đức, Thủy Đường, Trung Hà...) với 7 lễ hội có các sinh hoạt văn hóa hát đúm.